Thăm lại nhiều công trình được xây dựng ở Sài Gòn – TP.HCM từ khoảng thập niên 60-70 đến khoảng giữa thập niên 80 của thế kỷ trước, chúng ta sẽ gặp những mảng tường, hàng rào, cầu thang có bề mặt “đá rửa, đá mài”. Đó là một phương pháp thi công bề mặt đã phổ biến ở Sài Gòn trong một thời gian dài và đã lan ra nhiều địa phương khác. Chuyện kể của KTS Cổ Văn Hậu – người thầy của nhiều thế hệ kiến trúc sư ở TP.HCM – sẽ giúp bạn đọc KT&ĐS hình dung phần nào về một phương pháp thi công đã “một thời vang bóng”.
Căn nhà đá rửa đầu tiên mà tôi gặp cả quá trình thi công và nắm được phương pháp làm là vào năm 1958. Năm đó, tôi vừa vào học trường Đại học Kiến Trúc Sài Gòn. Thầy dạy tôi là thầy Phạm Văn Thâng đang làm một căn nhà ở đường Richaud (nay là đường Nguyễn Đình Chiểu). Cũng cần phải nói là hồi đó, tường nhà chủ yếu là quét vôi. Vôi trắng, muốn có màu thì phải pha. Nhưng căn nhà mà thầy Thâng làm lại không quét vôi mà dùng đá rửa.
Nói ngắn gọn thì đá rửa gồm có xi măng (thông thường là xi măng trắng), cát mịn trộn với đá nhỏ (thường là đá “hột lựu” và đá mi – dẹp, có cạnh sắc). Đá cần có kích thước đồng nhất và cũng có thể chọn theo màu xám, đen, trắng, vàng hoặc pha trộn theo tỷ lệ thích hợp. Tường xây đã được tô trát sau đó gạch chéo nhiều đường để tăng độ bám rồi được tô hỗn hợp đá rửa như kể trên dày chừng hơn 5 ly. Nếu muốn có màu như ý thích thì phải pha thêm bột màu và chọn màu đá cho thích hợp. Sau công đoạn tô, chờ cho tường khô se chừng 3- 4 tiếng tùy thời tiết rồi đến công đoạn “rửa”. “Rửa” là xịt cho nước chảy trên bề mặt rồi dùng bàn chải chà nhẹ cho rơi bớt xi măng để lộ đá ra. Đá rửa phổ biến nhất là vào thập niên 60-70 của thế kỷ trước.
Đá mài cũng làm tương tự như vậy, để lâu hơn cho khô rồi tưới nước và mài. Có 3 công đoạn là mài thô, mài nhẵn và mài bóng.
Đá rửa được dùng nhiều cho các mặt đứng ở ngoài nhà như tường rào, cổng. Đá mài có thể dùng nhiều cho cả mặt bằng và mặt đứng như nền, cầu thang hoặc cột… Có một loại đồ vật dùng đá mài ở mức độ phổ biến mà đến giờ vẫn hay gặp là ghế đá ngoài trời.
Cả đá mài, đá rửa nếu được phối màu, thi công tốt thì đều đảm bảo thẩm mỹ, chống thấm tốt. Tất nhiên nó cũng có nhược điểm dễ bám bụi, có thể nứt.
Nhưng đá mài đá rửa cũng đã có thời trở nên phổ biến và nay còn ghi dấu ấn ở nhiều công trình lớn trong thành phố.
Tôi nhớ khách sạn Palace ở đường Nguyễn Huệ dùng đá rửa. Khách sạn này được khánh thành năm 1971 và có thời được coi là khách sạn có quy mô nhất của thành phố. Năm 2006, khi cải tạo lại, khách sạn Palace Nguyễn Huệ mới chuyển sang dùng sơn nước như hiện nay. Khách sạn Caravelle (phần cũ ở phía đường Đồng Khởi) cũng dùng đá rửa cho mặt tiền.
Một công trình khác cũng dùng đá rửa mà đến giờ vẫn còn nhiều dấu tích là Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM mà tiền thân là Thư viện Quốc gia Sài Gòn. Công trình này được xây dựng khoảng năm 1968-1971. Rất nhiều mảng tường ngoài, cột, hàng rào… dùng chất liệu đá rửa. Đây cũng là công trình mà tôi được tham gia làm mô hình.
Tại thành phố này, có thời nhà ở gồm biệt thự, nhà phố đã dùng đá rửa rất phổ biến. Người thiết kế, thợ thi công cũng có nhiều tìm tòi trong việc chọn màu, tạo mảng làm nên những ngôi nhà có tính thẩm mỹ.
Về sau, đá mài đá rửa ngày càng ít được sử dụng, theo tôi, lý do chính là vì có quá nhiều loại vật liệu thay thế như các loại gạch, đá ốp lát, sơn nước… với chất liệu, cấu trúc, màu sắc ngày càng phong phú, đa dạng.
Nhưng dù sao, đá mài, đá rửa cũng đã có thời vang bóng, tạo nên hình ảnh những ngôi nhà mà bây giờ nhìn lại còn thấy rất thiện, gợi nhớ.
Nhưng dù sao, đá mài, đá rửa cũng đã có thời vang bóng, tạo nên hình ảnh những ngôi nhà mà bây giờ nhìn lại còn thấy rất thiện, gợi nhớ.
KTS Cổ Văn Hậu sinh năm 1934, tốt nghiệp Đại học Kiến Trúc Sài Gòn năm 1964. Năm 1966 ông bắt đầu giảng dạy tại Đại học Kiến Trúc Sài Gòn và từ 1975 là Đại học Kiến Trúc TP.HCM. Năm 1994 ông về hưu và tiếp tục làm cán bộ thỉnh giảng cho trường Đại học Kiến Trúc TP.HCM đến năm 2008. Sau đó ông còn thỉnh giảng ở Đại học Hồng Bàng, Đại học Văn Lang đến năm 2014, khi tròn 80 tuổi mới nghỉ hẳn công tác giảng dạy. Hiện nay ông vẫn viết sách, vẽ tranh.
Nguồn – Tạp chí Kiến Trúc & Đời Sống