“Make up” cho tường

Trong công trình, bề mặt tường chiếm diện tích lớn nhất, nếu so với các bề mặt khác như sàn, trần, cửa. Hoàn thiện bề mặt tường (mà phổ biến nhất là sơn) là công việc thuộc giai đoạn hoàn thiện, theo một logic thông thường là không thể thiếu. Việc này cũng như “trang điểm” cho tường.

Trong ngôi nhà, trên những bức tường, đôi khi cần những điểm nhấn, để đặc tả, thu hút sự chú ý vào một nơi, một góc nào đó, bởi nơi đó có tính chất đặc biệt; nhưng cũng có thể điểm nhấn đó chỉ là để “phá vỡ” một sự nhàm chán, đơn điệu – ví dụ như trên một diện tường phẳng và lớn quá. Thông thường thì những điểm nhấn này hay được xử lý bằng màu sắc hoặc chất liệu khác, hoặc kết hợp. Sử dụng màu sơn khác, đặc biệt là các màu mạnh, màu nóng là một cách làm quen thuộc và đồng bộ trong công đoạn sơn tường, và cũng dễ dàng, thuận tiện cho quy trình thi công nói chung. Tuy nhiên, sơn và cách thức sơn cũng có những hạn chế nhất định, không thể diễn tả bề mặt như mong muốn của người thiết kế. Những điểm nhấn này có thể được sử dụng các loại vật liệu khác, các loại “áo” khác để làm sinh động và đẹp hơn cho không gian.

Có nhiều loại vật liệu có thể làm “áo” cho tường thay thế cho bề mặt sơn truyền thống. Ðó là gỗ, đá, kính, giấy dán tường… Tuy vậy các loại vật liệu này cơ bản chỉ làm “điểm nhấn” hoặc tại một vài vị trí đặc biệt, hay đòi hỏi công năng khác thường; chứ không thể dùng đại trà trên diện lớn. Mỗi loại vật liệu có những ưu nhược điểm riêng và cách thức thi công riêng. Gỗ cho cảm giác ấm áp, và được làm trong giai đoạn hoàn thiện, sau khi sơn; đá cho cảm giác phóng khoáng, tự nhiên, và được thi công từ giai đoạn trát, ốp – lát hoàn thiện…

Hiện nay, trên thị trường xây dựng, giấy dán tường là một loại vật liệu mới, được sử dụng nhiều. Giấy dán tường có nhiều ưu điểm: mẫu mã phong phú; thi công dễ dàng, nhanh gọn, an toàn; giá cả có nhiều sự lựa chọn… Giấy dán tường vừa có thể làm điểm nhấn (với những mẫu phù hợp), lại vừa có thể sử dụng trên diện rộng thay cho sơn tường. Về cơ bản, giấy dán tường cho bề mặt phẳng giống như sơn, đa dạng về màu sắc và có những hoa văn mà sơn không thể có được. Một số mẫu giấy dán tường được thiết kế như một bức tranh có nội dung với những hình ảnh sinh động. Tuy vậy, giấy dán tường cũng có những nhược điểm nhất định: đó là không thể dùng ngoài trời, khi bị phá huỷ bề mặt (rách, trầy xước) rất khó sửa chữa hoặc không xử lý được nếu mẫu cũ đã hết, hạn chế khả năng thẩm thấu hơi nước trong không khí hoặc thoát hơi nước của tường trong điều kiện độ ẩm cao/thay đổi độ ẩm của môi trường. Trong thực tế, giấy dán tường còn hay được dùng để… “chữa cháy” cho bề mặt tường sơn có vấn đề, thẩm mỹ kém; như bề mặt trát không phẳng, có các vết nứt, bị ố bẩn…

“Áo” cho tường, có nhiều khi cũng không phải là trát, sơn – bả hay các loại vật liệu hoàn thiện che phủ như đã đề cập ở trên, mà lại chính là sự thô mộc ở chính chất liệu tạo nên bức tường – không có công đoạn hoàn thiện bề mặt, hay nói cách khác là tường… không “mặc áo”. Ðó là chất liệu nguyên bản của kết cấu, của vật liệu, và có những vẻ đẹp rất riêng: tường bêtông, tường xây đá, tường xây gạch trần không trát… Với những bề mặt này, để không cần “mặc áo”, đòi hỏi trình độ – kỹ thuật thi công cao, và tất nhiên cũng đòi hỏi những không gian phù hợp, với những yếu tố khác liên quan, cả thẩm mỹ và kỹ thuật có tính thống nhất.

Ðá trang trí trong phòng khách cho mảng nhấn. Tuy nhiên, sử dụng đá trong nội thất cần cân nhắc về liều lượng và sắc màu

Sự thô mộc có duyên và nét đẹp riêng

Ðẹp là vừa đủ

Cái gì cũng vậy, quá nhiều đều không tốt. Ðẹp nhất bao giờ cũng là một sự cân bằng, hài hoà. Trong một ngôi nhà ở, càng cần nhiều sự cân bằng, hài hoà đó. Ngôi nhà ở khác nhiều với một kiến trúc dùng để ngắm nhìn, giải trí trong chốc lát; vì vậy trong việc “mặc áo” cho tường cần phải tiết chế, tránh những sự quá đà gây ra những hậu quả tiêu cực.

Màu sắc của sơn tường thì có rất nhiều, các loại vật liệu che phủ khác trên thị trường vật liệu xây dựng cũng rất sẵn. Nếu lạm dụng quá nhiều màu sắc, quá nhiều chất liệu, quá nhiều “điểm nhấn”… thì sẽ chỉ làm hình thức, không gian ngôi nhà thêm rối rắm, thậm chí bức bối chứ không đẹp hơn. Trong công trình, thường có một số màu cố định của một số vật liệu; như màu nâu của gỗ, màu đất nung của chất liệu gốm, màu trắng của cửa nhựa, màu ánh kim của inox ở một số cấu kiện, màu xanh của cây…; nên chọn màu sơn tường rất cần tiết chế về số lượng màu và sắc độ màu. Cũng tương tự, “điểm nhấn” sẽ chỉ là “điểm nhấn” khi nó có ít,
và đúng chỗ, chứ chỗ nào cũng có “điểm nhấn” thì không còn ý nghĩa nữa.

Ðịnh nghĩa thế nào là đẹp rất khó, và mỗi người có một quan niệm thẩm mỹ riêng. Nhưng đẹp luôn là vừa đủ, và vừa đủ cũng là đẹp.

Nguồn TC Kiến Trúc & Đời Sống

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *